Ngẫm

Giá trị nguyên bản (P1): Vòng tròn chúng ta đang đi

Gần đây, tôi bắt đầu quan tâm đến cụm từ: “giá trị nguyên bản”.

Có lẽ không ít người trong chúng ta thường tin rằng phát triển là tiến lên phía trước, càng nhanh, càng xa và càng nhiều thành tựu hơn thì càng tốt. Tuy nhiên, qua nhiều trải nghiệm và quan sát, tôi nhận ra rằng: sự phát triển thực sự mang tính chất vòng tròn. Chúng ta nghĩ mình đang đi xa, nhưng rồi lại nhận ra rằng tâm hồn quay về với những điều rất quen thuộc, chân chất và nguyên sơ. Những điều mà có khi ta đã bỏ lại giữa guồng quay, không mấy để ý đến từ lâu.

Vòng tròn chúng ta đang đi

Bạn có nhìn thấy cách mà thế giới đang vận hành không: con người phát triển và cuộc sống phát triển đến một giai đoạn nào đó thì chúng ta lại muốn tìm về với những giá trị nguyên khôi ban đầu.

Chúng ta có thể thấy điều này trong nhiều lĩnh vực:

Thực phẩm & Lối sống

  • Sau hàng thập kỷ công nghiệp hóa thực phẩm, con người lại tìm về thực phẩm hữu cơ, canh tác tự nhiên, ăn uống lành mạnh như cách tổ tiên đã làm.
  • Công nghệ phát triển nhưng xu hướng sống tối giản, gần gũi thiên nhiên, thiền định lại trở nên ngày càng phổ biến.

Công nghệ & Kết nối

  • Công nghệ giúp con người kết nối dễ dàng hơn, nhưng rồi ta lại thấy quý những cuộc trò chuyện trực tiếp, những mối quan hệ thật sự, thay vì chỉ giao tiếp qua màn hình những chiếc máy tính hay điện thoại.
  • AI đang ngày càng phổ biến, nhưng giá trị của con người thật, của sự sáng tạo và cảm xúc chân thật lại càng được đề cao hơn.

Thời trang & Thiết kế

  • Thời trang nhanh phát triển mạnh, nhưng rồi con người lại trân trọng các sản phẩm thủ công, thời trang bền vững, chất liệu tự nhiên.
  • Nhà cửa, không gian sống hiện đại nhưng xu hướng quay về phong cách tối giản, gần gũi thiên nhiên ngày càng nhiều.

Vì sao con người chúng ta lại tìm về giá trị nguyên bản?

Một người bạn làm trong ngành sáng tạo từng nói với tôi: “Làm càng lâu, mình càng muốn quay về những điều chân phương giản dị.” Lúc đầu tôi nghĩ chắc là do bạn đã … có tuổi. Nhưng có lẽ đúng hơn, đó là sự thức tỉnh.

Chúng ta sống trong một thời đại mà mọi thứ được tạo ra để thu hút. Nội dung để thu hút. Hình ảnh để thu hút. Câu chữ để thu hút. Và rồi giữa biển nội dung ấy, càng ngày ta lại càng khó cảm nhận được cái “thật” – cái chạm đến ta bằng sự đơn giản mà sâu sắc.

Có phải vì vậy mà khi đã “no nê” với thế giới bên ngoài, ta lại khao khát một sự trở về? Không phải trở về với quá khứ, mà là trở về với cái gốc – những điều chân thật, ý nghĩa, ít bị pha tạp.

Nhìn rộng ra, theo tôi những điều sau đây đã mang con người bước vào hành trình trở về với những giá trị nguyên bản:

1. Sự phát triển không phải lúc nào cũng phù hợp với giá trị cốt lõi

  • Khi phát triển, ta thường tập trung vào tốc độ, quy mô, hiệu quả… nhưng đến một lúc nào đó, ta nhận ra những điều này không đảm bảo hạnh phúc hay sự bền vững.
  • Ví dụ: Công nghệ giúp con người kết nối nhanh hơn nhưng cũng có thể làm mất đi sự kết nối thực sự. Khi nhận ra điều này, ta lại tìm về những cuộc trò chuyện trực tiếp, những mối quan hệ chân thật.

2. Khi đã có quá nhiều, ta nhận ra điều gì thực sự quan trọng

  • Ban đầu, ta chạy theo sự phát triển để thoát khỏi những thiếu thốn. Nhưng khi đã có đủ, ta nhận ra những giá trị cốt lõi như sự đơn giản, ý nghĩa và kết nối mới là thứ quan trọng.
  • Ví dụ: Người giàu có thể sở hữu nhiều thứ nhưng cuối cùng họ lại tìm về những trải nghiệm tối giản, thiên nhiên, gia đình và trao giá trị.

3. Quá trình phát triển thường đi kèm với hệ lụy, buộc ta phải quay lại để cân bằng

  • Mỗi bước tiến đều có mặt trái. Khi sự phát triển vượt quá giới hạn, ta bắt đầu cảm thấy mất cân bằng và cần quay lại để điều chỉnh.
  • Ví dụ: Xã hội công nghiệp hóa quá mức làm con người xa rời tự nhiên, từ đó nhiều người muốn xây dựng lối sống xanh, tối giản, organic…

Suy cho cùng thì, ta không quay về theo nghĩa thụt lùi, mà là trở về với một sự hiểu biết sâu sắc hơn, sau khi đã nếm trải đủ hương vị cuộc sống.

Phát triển không phải là thay thế và quên đi những giá trị cũ, mà là để hiểu nó một cách sâu sắc hơn.

Con người nên theo đuổi những giá trị nguyên bản nào?

Mỗi người có thể có câu trả lời khác nhau, nhưng nếu ta nhìn vào những điều mà con người luôn quay về, bất kể thời đại, công nghệ hay hoàn cảnh sống như thế nào, thì có lẽ giá trị nguyên bản mà con người nên theo đuổi là những điều sau:

1. Tính kết nối (Connection)

Dù hiện đại đến đâu, con người vẫn luôn cần kết nối với người khác, với thiên nhiên, và với chính mình. Đó là lý do vì sao ta vẫn cảm động trước một ánh nhìn ấm áp, một lời hỏi thăm chân thành, hay một buổi chiều ngồi yên lặng dưới tán cây.

2. Ý nghĩa (Meaning)

Con người không chỉ sống để tồn tại, mà luôn tìm kiếm ý nghĩa trong việc mình làm, trong cuộc đời mình đang sống. Khi không tìm thấy ý nghĩa, ta dễ rơi vào cảm giác trống rỗng, dù bên ngoài có vẻ đủ đầy.

3. Sự chân thật (Authenticity)

Ta có thể thử nhiều vai, nhiều phong cách, nhiều mục tiêu, nhưng cuối cùng vẫn quay về với câu hỏi: “Tôi là ai? Tôi có đang sống thật với mình không?” Đó là khát khao được là chính mình, không cần phải gồng lên để vừa lòng ai, cũng không phải thu mình lại vì sợ bị đánh giá.

4. Sự phát triển nội tâm (Inner growth)

Cuộc sống bận rộn dễ khiến ta hướng ra ngoài để “đạt được” nhiều thứ, nhưng rồi đến một lúc, ta sẽ muốn “quay vào trong”, để hiểu mình hơn, để chữa lành, để trưởng thành một cách sâu sắc hơn.

5. Tình yêu thương & lòng trắc ẩn (Love)

Có điều gì đó rất người trong những hành động nhỏ đầy yêu thương. Chỉ là một sự lắng nghe chân thành, một cái nắm tay, một ánh mắt không phán xét, một sự hiện diện. Không cần điều gì quá lớn lao.

Và có lẽ, giá trị nguyên bản không phải là một danh sách cố định, mà là la bàn giúp ta không bị lạc trong thế giới hỗn loạn.

Giữa rất nhiều lựa chọn ồn ào, và đầy cám dỗ ngoài kia, giá trị nguyên bản nhắc ta nhớ về điều gì là thật sự quan trọng đối với mình. Giá trị nguyên bản là những điều tốt đẹp mà ta tin là đúng – như yêu thương, sự trung thực, sống tử tế – mà không cần ai bắt ta mới làm. Đó là những điều làm ta cảm thấy mình đang sống thật là mình.


Đọc thêm: Giá trị nguyên bản (P2): Thoát khỏi vòng tròn?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *