Ngẫm

Ngẫm về hạnh phúc: “Tứ trụ” triết lý của cư dân Bắc Âu

Hôm nọ đọc một bài chia sẻ của người anh Donald Nguyễn trên Facebook, mình note lại một số từ khóa để tự tìm hiểu thêm, trong đó có đề cập đến “tứ trụ” triết lý về hạnh phúc của cư dân Bắc Âu. Nay, viết ra những gì mình đã tìm, đã hiểu hay đang ngẫm, chia sẻ cùng mọi người.

À, vì sao mình gọi là ngẫm? Vì đó vẫn là điều mình đang suy nghĩ, chiêm nghiệm, đúc kết, có cái đã tường rõ, có cái vẫn đang đi tìm câu trả lời, thỉnh thoảng lại lôi ra để ngẫm qua trải nghiệm thực tế.

Hạnh phúc là gì?

Một câu hỏi xưa như Trái Đất phải không? Hạnh phúc là cái thứ gì mà từ xưa đến nay, từ đông sang tây, từ bắc xuống nam, con người đều mãi tìm kiếm và đuổi theo. “Tôi muốn được hạnh phúc” có lẽ là cái muốn lớn hơn cả so với những cái muốn khác.

Theo một thống kê mình tìm được, so với việc “Được hạnh phúc” hay là “Đạt được những điều/thành tựu vĩ đại”, phần lớn người khảo sát đã chọn “Được hạnh phúc”, và khi càng có tuổi, tỷ lệ muốn được hạnh phúc càng nhiều hơn. Có lẽ là sau khi đã đạt được “great things” ở giai đoạn trưởng thành, người ta nhận ra cuối cùng cái mình thật sự muốn là “be happy”, có lẽ người ta nhận ra những “great things” đó không giúp cho họ “be happy”.

Tuy khảo sát này được thực hiện với người Mỹ vào năm 2016, mình nghĩ nó sẽ không có khác biệt nhiều ở các quốc gia, cũng như là theo thời gian.

Được khao khát nhiều nhất, nhưng có lẽ lại cũng là thứ mơ hồ nhất. Hạnh phúc là gì? Mình nghĩ không ít người trong chúng ta đều sẽ không thể định nghĩa được hạnh phúc thực sự đối với bản thân mình. Định nghĩa về hạnh phúc của riêng mình. Bởi nó là thứ trừu tượng nhất, khó nắm bắt nhất, mang tính cá nhân nhất. Không ít người hiểu nhầm hạnh phúc với những thứ tưởng là na ná khác như: sự giàu có, thành đạt, vị thế xã hội… Chúng ta nghĩ khi có những cái này là có hạnh phúc.

“Hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó mang tính trừu tượng” – Đó là định nghĩa về “hạnh phúc” trên Wikipedia, một định nghĩa mơ hồ không kém chính thứ nó đang định nghĩa.

Bỏ qua định nghĩa mang tính khái quát đó, mình gửi đến bạn 2 câu hỏi:

  • Hạnh phúc đối với bạn là gì?
  • Và nếu định nghĩa của bạn về hạnh phúc là như thế, thì bạn có đang thực sự hạnh phúc không?

Nếu bạn là một người mẹ, có lẽ bạn sẽ trả lời: “Hạnh phúc với tôi là nhìn thấy các con khỏe mạnh và trưởng thành”. Các con của bạn đúng là đang khỏe mạnh và trưởng thành, vậy bạn đã hạnh phúc chưa? Hay là bạn vẫn đang không hạnh phúc bởi vì cuộc sống hôn nhân nhàn nhạt hoặc bởi vì đời sống công việc quá sức căng thẳng của mình?

Nếu bạn là một người trẻ, có lẽ bạn sẽ trả lời: “Hạnh phúc với tôi là làm cho người xung quanh mình vui”. Bạn đúng là đã góp phần vào niềm vui của nhiều người, vậy là bạn đã hạnh phúc chưa?

Nếu bạn là một người xa xứ, có lẽ bạn sẽ trả lời: “Hạnh phúc bây giờ với tôi là được ăn bữa cơm ngon với gia đình”. Sau khi thực hiện được điều giản dị đó, bạn vẫn còn cảm thấy hạnh phúc chứ?

Mình thực sự chúc mừng cho những ai mà định nghĩa về hạnh phúc của họ và những gì họ đang cảm nhận về cuộc sống có sự đồng nhất.

Quan niệm về hạnh phúc của người Bắc Âu

Chắc bạn đã từng nghe đến kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy rằng Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch, Iceland, và Thụy Điển luôn nằm trong top những quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới. Bí quyết của dân cư Bắc Âu nằm ở “tứ trụ” triết lý giản dị về hạnh phúc. Bài viết này mình sẽ giới thiệu đến các bạn phần khái niệm và điều cốt lõi của các triết lý này. Để mà đi sâu hơn, có lẽ mình sẽ dành một bài “ngẫm” riêng cho từng cái.

1. Lagom – Hạnh phúc là vừa đủ

Lagom (phát âm là “lar-gohm”) là triết lý xuất phát từ Thụy Điển, nghĩa là: Không quá ít, không quá nhiều, chỉ cần vừa đủ.

Về bản chất, lối sống lagom tập trung vào tìm kiếm sự cân bằng trong mọi khía cạnh của cuộc sống và tập trung vào những gì thực sự quan trọng khiến ta hạnh phúc. Cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi, giữa đời sống xã hội và không gian riêng tư, cân bằng trong chế độ ăn, cân bằng trong chính ngôi nhà của bạn. Lagom khuyến khích bạn tận dụng những cơ hội mà cuộc sống mang lại cho bạn, tận hưởng từng khoảnh khắc theo khả năng của bạn và không hối tiếc về những gì mà bạn không có.

Người Thụy Điển đã gom trọn cuộc sống con người và cái khổ mà con người hay mắc kẹt trong chỉ một từ ngắn gọn đơn giản như thế. Bạn sẽ thấy chúng ta thường khổ vì quá thừa hoặc quá thiếu. Làm việc nhiều quá => khổ. Thiếu tiền quá => khổ. Yêu nhiều quá => khổ. Cô đơn quá => khổ. Nhà nhiều đồ đạc quá => khổ. Đưa “rác” vào người nhiều quá => sức khỏe yếu => khổ. Thiếu tình yêu thương => khổ…

Khi nào ta thấy đang “quá”, hãy tự nhủ với mình: Lagom đi!

Thế nhưng làm sao để biết vừa đủ, làm sao để cân bằng là một điều không hề dễ dàng với con người. Mình nghĩ đó là một kỹ năng và một tư duy cần luyện tập mới có. Và đó là một quá trình liên tục và không bao giờ hoàn hảo hết cả.

Rồi làm sao để vừa đủ (trong khi rõ ràng là ta thấy nó thừa hoặc thiếu), làm sao để cân bằng? Mình sẽ tìm hiểu tiếp hahaa, do mình cũng chưa đạt được đến cảnh giới thâm sâu này ;)).

2. Hygge – Hạnh phúc là tận hưởng những điều nhỏ bé

Hygge (phát âm là “hoo-guh”) là một phong cách sống đến từ Đan Mạch và đã trở thành một xu hướng phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới. Hygge tập trung vào cảm giác thoải mái, hạnh phúc và bình yên.

Hygge là một cách sống đơn giản, tập trung vào những thứ nhỏ bé tí ti trong cuộc sống để có niềm vui. Đọc sách, thưởng thức một tách cà phê hoặc một ly trà, vẽ vời, nằm trên sofa ngắm mưa rơi, thưởng thức bữa ăn tối với gia đình và bạn bè, và nhiều hoạt động khác – đó chính là những gì Hygge khuyến khích bạn làm mỗi ngày. Điều quan trọng là bạn tận hưởng những gì mình đang có, chứ không phải những gì mình sẽ có.

Lối sống Hygge cũng liên quan đến cách bố trí đồ đạc trong nhà để tạo ra một không gian thoải mái và ấm áp, chẳng hạn như sử dụng đèn vàng nhạt để tạo ánh sáng dễ chịu và màu sắc mộc mạc như nâu, xám và trắng. Hygge còn là việc chú trọng đến sức khỏe tinh thần, tạo ra một không gian để thư giãn và giảm căng thẳng trong cuộc sống bận rộn hiện đại.

3. Lykke – Hạnh phúc được bồi đắp từ những thói quen

Lykke (đọc là “loo-kah”) thực ra trong tiếng Đan Mạch có nghĩa là “hạnh phúc”.

Trong quyển sách The Little Book Of Lykke, Nhà văn Meik Wiking đã chia sẻ về những thói quen để xây dựng một cuộc sống hạnh phúc. “Hạnh phúc được bồi đắp từ những thói quen” là diễn giải của một trang báo Việt Nam về Lykke, có lẽ cũng là từ quyển sách này. Mình chưa tìm ra tài liệu chất lượng đề cập trực tiếp đến Lykke và thói quen. Tuy nhiên, mình đồng ý rằng để cảm thấy hạnh phúc, ta cần xây dựng những thói quen tốt cho mình. Trong công thức cội nguồn của cuộc sống: “Suy nghĩ tạo nên hành động. Hành động tạo nên thói quen. Thói quen tạo nên tính cách. Tính cách tạo nên số phận.”

“Đó là những điều ta vẫn làm hàng ngày để khiến cuộc đời trở nên tươi đẹp hơn. Và để thực sự hạnh phúc, bạn phải tự tay xây dựng cuộc sống mình mong muốn. Bởi bạn là người duy nhất chịu trách nhiệm cho toàn bộ đời mình.”

4. Sisu – Hạnh phúc là dũng cảm vượt qua khó khăn

Sisu (đọc là “see-soo”) là một từ Phần Lan ám chỉ “bên trong”, “nội tại”, thể hiện sự can đảm, sự bền bỉ và sự kiên trì trong cuộc sống. Sisu và Hygge là triết lý mà mình thích nhất và cảm nhất.

Theo triết lý về hạnh phúc của Phần Lan, hạnh phúc không phải là sự thoả mãn về tài chính hay sự nổi tiếng, mà thực sự đó là sự tự hào và tự tin trong bản thân mình. Sisu là một phần của triết lý này, bởi vì nó cho phép con người vượt qua các khó khăn và thử thách trong cuộc sống, và giúp họ cảm thấy tự hào về chính mình.

“Sisu không phải là lòng can đảm bộc phát, mà là khả năng duy trì được lòng can đảm đó. Từ này gần như không thể chuyển nghĩa sang bất cứ ngôn ngữ nào khác.”

Phần lớn hạnh phúc của chúng ta được quyết định bởi cách chúng ta đương đầu với khó khăn.

Sisu, với tư cách là một thái độ cam kết và không chịu nhượng bộ, có thể giúp chúng ta vượt qua những gì xấu xí cuộc sống ném vào mình. Một người càng đối mặt với thử thách bằng một thái độ dũng cảm và chấp nhận thì càng dễ dàng cảm nhận được sự an lạc và hạnh phúc, ngay cả khi cuộc sống không hề dễ dàng với họ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *