
Nguyên lý thuận chiều mong muốn
Bạn có bao giờ để ý rằng, phần lớn thời gian chúng ta nói về điều mình không muốn, thay vì điều mình thật sự muốn?
Ngẫm mà xem:
“Mẹ không muốn con vừa ăn vừa nghịch điện thoại như thế!”
“Lần làm ăn này tôi không muốn thất bại nữa.”
“Em đừng nói chuyện lan man làm mất thì giờ của anh.”
“Anh thấy bài thuyết trình vừa rồi em làm khá ổn, nhưng em chưa tương tác tốt với người nghe.”
Vì sao con người lại thường nói điều ngược chiều mong muốn
Có một số lý do tâm lý và khoa học giải thích vì sao con người thường có xu hướng nói điều mình không muốn thay vì điều mình muốn:

1. Thiên kiến tiêu cực (Negativity Bias)
- Theo nghiên cứu tâm lý học, con người có xu hướng chú ý nhiều hơn đến những điều tiêu cực vì điều này giúp tổ tiên chúng ta sinh tồn. Bộ não được lập trình để phát hiện nguy hiểm và tránh rủi ro hơn là tập trung vào mục tiêu tích cực.
- Nghiên cứu của Paul Rozin và Edward Royzman (2001) chỉ ra rằng tác động của điều tiêu cực mạnh hơn điều tích cực trong nhận thức và ra quyết định.
2. Hệ thống cảnh báo của não bộ (Threat Detection System)
- Về mặt sinh học, vùng hạch hạnh nhân (amygdala) trong não có nhiệm vụ xử lý mối đe dọa. Nó khiến con người phản ứng mạnh với những thứ tiêu cực hoặc những điều cần tránh, thay vì chủ động tìm kiếm điều tốt đẹp.
- Do đó, khi suy nghĩ về một tình huống, chúng ta thường phản ứng bằng cách nói điều không muốn để cảnh báo bản thân hoặc người khác.
3. Thói quen ngôn ngữ và tư duy phản xạ
- Trong giao tiếp hàng ngày, chúng ta bị ảnh hưởng bởi cách sử dụng ngôn ngữ phổ biến. Ví dụ: “Đừng quên mang ô” thay vì “Hãy nhớ mang ô”.
- Ngôn ngữ này tạo ra một lối tư duy phản xạ, ưu tiên né tránh thay vì hướng đến mục tiêu.
4. Tránh thất vọng
- Một số người tránh nói điều mình muốn vì sợ thất bại hoặc kỳ vọng không thành. Họ chọn cách diễn đạt tiêu cực để giảm áp lực.
- Ví dụ: “Tôi không muốn rớt kỳ thi này” thay vì “Tôi muốn đạt điểm cao”, vì họ cảm thấy nếu thất bại, ít nhất họ đã cảnh báo trước.
5. Ảnh hưởng từ giáo dục và văn hóa
- Nhiều người lớn lên trong môi trường mà họ được bảo phải cẩn thận, tránh rủi ro hơn là theo đuổi đam mê. Điều này hình thành thói quen suy nghĩ theo hướng né tránh.
Uhm, cứ cho là vậy đi, thì sao?
Nghe thì có vẻ cũng chẳng làm sao cả. Nói điều mình không mong muốn thường không gây ảnh hưởng ngay lập tức, và chính vì thế nó trở thành một thói quen vô thức, rất khó nhận ra.
Nhưng thử nghĩ mà xem:
Bạn muốn điều A. Trái (tương đối) với A là B. → Rồi bạn nói “Tôi không muốn B!”, điều này có nghĩa là bạn muốn A? Làm gì có. Không phải B thì cũng có thể là C, D, E, F cơ mà.
Khi mình nói về điều không mong muốn, tức là mình chỉ tập trung vào việc né tránh một kết quả xấu, chứ không chủ động hướng tới một kết quả tốt một cách rõ ràng. Điều này ảnh hưởng đến cách mình tư duy, ra quyết định và hành động.
Ví dụ nhé:
– “Tôi không muốn thất bại.” → Nhưng thành công là như thế nào? Nếu ta chỉ cố tránh thất bại, ta có thể chọn cách an toàn, không dám thử những cơ hội có tiềm năng lớn.
– “Tôi không muốn khách hàng phàn nàn.” → Nhưng trải nghiệm khách hàng mong muốn là gì? Nếu chỉ nói với nhân viên không muốn khách hàng phàn nàn, có khi nhân viên của ta sẽ “bịt mồm” khách lại không cho nói năng gì.
Cách não bộ xử lý thông tin
Não bộ không xử lý trực tiếp từ “không”, mà nó trước tiên phải hình dung hoặc liên tưởng đến sự vật, tình huống mà bạn nhắc đến. Ví dụ:
- Khi nghe “Đừng nghĩ về một con voi màu hồng”, não bạn sẽ ngay lập tức hình dung con voi màu hồng rồi mới cố gắng gạt bỏ nó.
- Khi nói “Tôi không muốn thất bại”, não vẫn phải hình dung đến thất bại trước, khiến nó vô tình in sâu hơn trong tâm trí.
Tác động đến kết quả cuối cùng
1. Tăng sự tập trung vào điều không mong muốn
- Nếu bạn nói “Tôi không muốn trễ deadline”, não vẫn hình dung đến việc trễ deadline, tạo cảm giác lo lắng.
- Thay vào đó, nếu nói “Tôi sẽ hoàn thành đúng hạn”, bạn tập trung vào giải pháp và hành động để đạt mục tiêu.
2. Ảnh hưởng đến hành vi và cảm xúc
- Khi liên tục nói về điều không muốn, bạn dễ rơi vào trạng thái tiêu cực, lo lắng hoặc căng thẳng.
- Nếu nói “Đừng quên mang chìa khóa”, bạn vẫn có nguy cơ quên vì từ “quên” đã được não xử lý trước. Nếu đổi thành “Hãy nhớ mang chìa khóa”, bạn nhấn mạnh vào hành động tích cực.
3. Điều hướng tiềm thức theo hướng sai lệch
- Tiềm thức không phân biệt được “không”. Nếu bạn nghĩ “Tôi không muốn thất bại”, tiềm thức sẽ liên tục gợi nhớ về thất bại, vô tình dẫn bạn đến những hành động thiếu tự tin hoặc dễ mắc sai lầm.
- Ngược lại, khi bạn nói “Tôi muốn thành công”, tiềm thức sẽ giúp bạn tìm cách để đạt được điều đó.
Thực hành nguyên lý thuận chiều mong muốn
Gần đây, mình để ý nhiều hơn mỗi khi mình sắp hoặc đã nói điều gì, xem mình có sắp hoặc đã nói theo hướng tiêu cực không, và thực hành điều chỉnh.
Để thực hành, mình nghĩ có những phương pháp sau:
1. Nói trực tiếp điều bạn muốn, thay vì điều bạn không muốn
Vd: “Đừng viết báo cáo lan man như thế này.” → “Anh muốn em viết báo cáo ngắn gọn hơn, tập trung vào 3 ý chính như sau…”
2. Chuyển từ phê bình sang hướng dẫn cụ thể
Vd: “Đừng có trễ deadline nữa.” → “Anh cần em cập nhật tiến độ sớm hơn và báo trước 1 ngày nếu có nguy cơ trễ.”
3. Tập trung vào giải pháp, thay vì vấn đề
Vd: “Cách làm này không hiệu quả.” → “Mình thử cách tiếp cận khác nhé, chẳng hạn như ….”
4. Đặt câu hỏi gợi mở thay vì áp đặt
Vd: “Sao mãi mà em vẫn làm chưa đúng yêu cầu?” → “Em đang gặp khó khăn gì trong việc thực hiện theo yêu cầu này?”

Việc thay đổi cách diễn đạt có thể không tạo ra sự khác biệt ngay tức thì, nhưng mỗi lần mình chọn nói về điều mình muốn thay vì điều mình không muốn, mình đang gieo một hạt giống tích cực. Và theo thời gian, những hạt giống ấy sẽ nảy mầm thành những thay đổi, có bé nhỏ, có lớn lao

