![sách người đan chữ xếp thuyền](https://myjourneynotes.com/wp-content/uploads/2017/07/người-dan-chữ-xếp-thuyền-1-1140x640.jpeg)
Review sách: Người đan chữ xếp thuyền
Người đan chữ xếp thuyền – Đây là một quyển sách đẹp theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng, viết về một nhóm người Nhật say mê với ngôn từ con chữ, say mê với nghiệp làm từ điển. Không, chung quy lại, đó là quyển sách viết về đam mê trong công việc.
Với giọng văn nhẹ nhàng dí dỏm thường thấy ở văn chương Nhật, câu chuyện không có đoạn nào cao trào gay cấn. Cũng không phải một quyển sách cầm lên là sẽ không thể đặt xuống được cho đến trang cuối cùng. Mình đọc mỗi ngày vài lần, mỗi lần một ít, không vội vã. Nói cho dễ hiểu, quyển sách không giống một ly cafe đậm đà hay ly nước chanh sắc vị chua ngọt. Nó giống một ly nước nha đam thanh mát hơn.
Có thể bạn sẽ thấy chính mình trong anh chàng Majime khù khờ suốt ngày làm bạn với sách vở và đam mê công việc của mình vô cùng. Cũng có thể bạn sẽ thấy chính mình trong anh chàng Nishioka, người chưa bao giờ thật sự đặt hết tâm huyết vào việc gì cho đến khi gặp Majime, để rồi ghen tị với một Majime biết mình yêu công việc gì và luôn hết lòng với nó.
Nhớ hồi bắt đầu học chuyên Anh ở trường cấp 3, mẹ đã mang về cho mình một quyển từ điển Anh – Việt có bìa màu xanh lá nhạt. Đó là quyển từ điển to nhất, dày nhất mà mình từng được thấy và được sở hữu. Mình rất thích nó vì số lượng từ nhiều, giải thích ngữ nghĩa và ví dụ chi tiết, giấy lại mỏng nhẹ, sờ vào vô cùng trơn mịn. Với mình, nó xịn hơn bất cứ quyển từ điển nào một đứa học sinh như mình từng biết. Mình thích nó đến độ lúc ngủ cũng đặt bên gối. Nhưng mình chưa bao giờ thắc mắc quyển từ điển được làm ra như thế nào, chưa từng nghĩ đến việc có một nghề như thế trong đời.
Công việc làm từ điển, một công việc có lẽ ít người để ý đến. Để làm nên quyển từ điển Nhật ngữ Daitokai vĩ đại, nhóm người mất những 15 năm ròng rã. Bao nhiêu trở ngại khó khăn, lửa trong họ không hề giảm đi. Trong nhóm người ấy, có người như được sinh ra là để làm từ điển. Cũng có người ban đầu chẳng thiết tha mấy và lo ngại không biết mình có phù hợp với công việc như vậy không. Nhưng chính lửa của những đồng nghiệp và ý nghĩa đẹp mà quyển từ điển họ muốn tạo ra đã dần dần khiến họ cũng say mê cái nghiệp đó lúc nào không hay.
“Người đan chữ xếp thuyền” khiến mình nhớ đến một bộ phim Nhật từng xem: “Departure” (2008), nói về hai người đàn ông làm công việc khâm liệm, trang điểm cho người đã mất trước khi đưa vào quan tài, để họ có thể sang thế giới bên kia với bộ dạng đẹp nhất, để người thân có thể lưu lại hình ảnh đẹp nhất về họ. Khâm liệm, lại là một công việc ít ai nghĩ đến và ít người làm. Nhưng hai người đàn ông ấy – một thầy một trò, một già một trẻ – đã dùng đôi bàn tay của mình vệ sinh và làm đẹp cho bao nhiêu người chết. Có người bạn đã e dè và coi thường công việc của họ. Người vợ của anh học trò gần như thấy ghê sợ và phản đối cho đến khi tận mắt quan sát chồng mình thực hiện từng bước khâm liệm với toàn bộ sự chuyên nghiệp, tập trung và cái tâm. Lúc xem, mình có cảm giác công việc đó cũng như một nghệ thuật vậy.
Mình xưa nay luôn ngưỡng mộ những người yêu công việc họ đang làm. Dù đó là cô bán hàng ăn vỉa hè, anh kiến trúc sư hay người giáo viên. Có lẽ khi đọc sách, bạn sẽ tự hỏi liệu bạn sẽ có thể tìm được công việc mình yêu hết lòng. Như anh chàng Majime nhân vật chính trong “Người đan chữ xếp thuyền” trước khi được tuyển vào phòng Biên tập từ điển lại là một anh nhân viên mờ nhạt trong phòng Kinh doanh. Như anh chàng Daigo trong phim “Departure” trước khi nảy duyên với nghề khâm liệm lại là một nhạc công. Cái duyên với nghề nào sẽ đến với bạn?
Mình học được một điều rằng không nhất thiết bạn phải “yêu từ cái nhìn đầu tiên” với một công việc nào ngay. Ban đầu bạn có thể không thích nó, không thấy bạn hợp với công việc đó ở chỗ nào. Nhưng nếu bạn kiên trì và tập trung, rồi có thể bạn sẽ yêu nó và hết lòng.
![](https://myjourneynotes.com/wp-content/uploads/2017/04/thư-viện-nửa-dêm-1-75x75.jpeg)
![](https://myjourneynotes.com/wp-content/uploads/2022/08/5w1h-trong-giai-quyet-van-de-va-lap-ke-hoach-1-75x75.jpeg)