Ngẫm

Tinh hay đa?

Quý hồ tinh bất quý hồ đa?

Mấy nay tin tức layoff cứ gọi là tràn màn hình, hôm nay vài ngàn người chỗ này, mai vài chục ngàn người chỗ kia. Rồi thế hệ 9X trở đi “già cả” khó xin việc. Đổ tại AI. Đổ tại công ty. Đổ tại gen Z.

Người ta nói rằng chúng ta đang sống trong thời đại mà sự ổn định là ảo tưởng.

Mình cũng nghĩ chẳng có chữ ổn định nào. Chỉ có chữ thích nghi.

Ngày xưa ông bà dạy quý hồ tinh bất quý hồ đa, làm cái gì tập trung đào sâu một cái tránh lan man. Thời nay thì mình nghĩ, để thích nghi và có thể dễ dàng tìm thấy cơ hội ở bất cứ đâu thì:

– hoặc là phải tinh đến mức trở nên vượt trội so với mặt bằng chung (ai cần là nghĩ ngay đến mình).

– hoặc là phải kết hợp cả tinh và đa (T-shaped skills)

———

Vì sao nên chọn T-shaped?

generalist-or-specialist

🛠 Specialist → Giỏi 1 kỹ năng kiến thức cực sâu (chiều dọc)

🌍 Generalist → Biết nhiều, nhưng không giỏi cái nào đặc biệt (chiều ngang)

💡 T-shaped → Có một chuyên môn lõi mạnh (thanh dọc của chữ T) + Biết rộng nhiều thứ khác (thanh ngang của chữ T).

Hiểu biết về nhiều lĩnh vực khác sẽ giúp bạn trở thành người kết nối, sáng tạo ra những giải pháp mà cả những người khác, AI và công nghệ nói chung chưa thể làm được.

Rèn luyện T-shaped như thế nào?

Rồi, nhiều người hiểu tầm quan trọng của việc mở rộng kỹ năng, nhưng lại loay hoay không biết bắt đầu từ đâu.

Vì có quá nhiều thứ phải học, ta có thể rơi vào vòng lặp: học một chút – thấy chưa đủ – bỏ dở – chuyển sang thứ khác.

Vậy phải làm thế nào để không bị quá tải?

1. Tạo một “trục xương sống” vững chắc

Chọn một kỹ năng lõi, đừng cố gắng học tất cả cùng lúc. Trước hết, cần xác định điểm mạnh nhất của bạn và đầu tư vào nó thật sâu.

2. Chọn 2-3 kỹ năng bổ trợ thay vì cố học tất cả

Thay vì học tràn lan, cần xác định những kỹ năng có thể cộng hưởng với kỹ năng lõi.

Ví dụ:

– Nếu bạn là developer → học thêm về UI/UX hoặc Product Management.

– Nếu bạn là designer → hiểu về Marketing và tâm lý

– Nếu bạn khởi nghiệp → cần hiểu về tài chính và bán hàng.

3. Cần gì học nấy

Nhiều người mắc kẹt vì cố gắng học tất cả mọi thứ trước khi thực sự cần đến nó. Thay vào đó, nên chọn cách cần gì học nấy kẻo tẩu hỏa nhập ma.

Tóm lại thì mình nghĩ, những ai chỉ đang biết làm một thứ thì có lẽ nên bắt đầu dành thời gian phát triển nhiều hơn sang chiều ngang. Ngành của bạn ngày xưa hot, sau này có thể là không, không ai biết được.

Còn những ai đang thấy tự ti vì cái gì cũng biết mà lại không giỏi cái gì (mình thời trẻ cũng thế). Mình nghĩ bạn đã có nền tảng tốt rồi, bây giờ chỉ cần chọn 1 trong số đó để phát triển sâu thành kỹ năng lõi của bạn.

Thị trường luôn thay đổi, nhưng người chủ động, linh hoạt và liên tục phát triển sẽ luôn tìm thấy con đường mới.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *