Ngẫm

Dừng lại là bỏ cuộc hay là buông đúng lúc?

Đi tiếp hay dừng lại?

Dũng cảm hay hèn nhát?

Là kiên trì hay là cố chấp?

Là bỏ cuộc hay là buông đúng lúc?

Bạn có bao giờ băn khoăn về những điều này khi gặp thử thách quá sức chịu đựng buộc bạn phải lựa chọn?

Tôi nghĩ mỗi chúng ta đều đã từng, không ít lần.

Giữa ngã ba đường không có hướng nào sáng rõ, điều gì sẽ giúp chúng ta quyết định điều đúng đắn cần làm, để không bao giờ cảm thấy hối tiếc với ngã đường mình đã chọn?

Bài này giúp bạn phân biệt giữa “dừng lại để nghỉ ngơi và làm mới” với “buông bỏ khi đang trên đà thành công (dù đang vất vả khó khăn)”. Bạn sẽ học được tiêu chí nhận biết đúng đắn, cách đánh giá mục tiêu và tín hiệu cơ thể cũng như tâm trí để đưa ra quyết định phù hợp.

Dừng lại là bỏ cuộc khi…

  • Bạn vẫn còn đam mê với điều mình đang làm, nhưng bỏ cuộc chỉ vì sợ hãi, vì cảm thấy không đủ giỏi, hoặc vì áp lực từ người khác.
  • Bạn chưa thực sự thử hết các hướng đi có thể, chưa tìm cách thay đổi chiến lược, nhưng lại muốn dừng vì mệt mỏi nhất thời.
  • Bạn dừng lại mà không có một lý do rõ ràng, chỉ vì thấy nó quá khó và không có kiên nhẫn để đi tiếp.

Trên hành trình startup gian nan của tôi, đã không dưới … 50 lần tôi muốn dừng lại :D. Lúc mãi không có đơn hàng. Lúc hết tiền trả lương. Lúc thấy đối thủ vút bay như Thánh Gióng. Lúc thấy tự ti về khả năng dẫn dắt. Lúc stress vì bị khách phàn nàn về sản phẩm. Và điều tôi đã làm là chậm lại một chút, tách rời khỏi công việc một chút để nghỉ ngơi, dọn dẹp mớ bòng bong trong đầu, rồi quay lại. Sau mỗi lần chậm lại để đánh giá, tôi hiểu rằng nếu dừng lại bây giờ là bỏ cuộc. Tôi nhận ra mình vẫn còn nhiều thứ cần học, nhiều hướng để làm, tôi không cam tâm dừng lại như thế. Và thế là, năm nay là kỷ niệm 10 năm thành lập công ty với những cột mốc đáng nhớ và những chỉ số đáng tự hào.

Dừng lại là buông đúng lúc khi…

  • Bạn đã dành đủ thời gian, tâm huyết, đã thử nhiều cách khác nhau nhưng kết quả không thay đổi.
  • Bạn nhận ra rằng con đường này không còn phù hợp với mục tiêu hay giá trị của mình nữa.
  • Bạn thấy rằng cái giá phải trả để tiếp tục lớn hơn rất nhiều so với lợi ích mà nó mang lại, dù là về tài chính, tinh thần hay sức khỏe.
  • Bạn nhận ra rằng mình không còn đam mê với nó, không còn hứng thú để tìm ra giải pháp, mà chỉ đang cố gắng vì cảm giác trách nhiệm hoặc vì sợ người khác nghĩ mình thất bại.
  • Bạn có một hướng đi khác mà bản thân thực sự muốn theo đuổi hơn, và việc bám víu vào thứ hiện tại chỉ đang cản trở bạn tiến lên.

Bỏ cuộc không phải luôn là yếu đuối. Đôi khi, buông đúng lúc mới là biểu hiện của trí tuệ và lòng tự trọng. Khi ta nhận ra con đường này không còn phù hợp, không còn khiến tim mình ấm trí mình sáng, thì việc dừng lại không phải là thua cuộc, mà là mở đường cho một lối đi khác tốt hơn.

Làm sao để biết mình nên tiếp tục hay dừng lại?

Chúng ta cứ khuyên nhau rằng: Never give up, đừng bao giờ bỏ cuộc. Đối với tôi, kiên trì theo đuổi một điều gì đó không phải lúc nào cũng tốt. Dừng lại giữa chừng không phải lúc nào cũng xấu.

Để có câu trả lời, bạn cần kết nối với chính mình và trả lời những câu hỏi sau một cách thấu đáo:

  1. Nếu tôi biết chắc chắn mình sẽ thành công trong 3 năm nữa, tôi có còn muốn làm tiếp không?
    • Nếu có => Vấn đề có thể chỉ là chiến lược, không phải bản thân con đường này sai.
    • Nếu không => Có thể mình đã không còn yêu thích điều này nữa.
  2. Tôi đang cố gắng tiếp tục vì tôi còn đam mê, hay chỉ vì tôi sợ bị xem là thất bại?
    • Nếu chỉ vì sợ thất bại => Đây là lúc cần suy nghĩ lại.
  3. Nếu tôi buông bỏ hôm nay, tôi có hối tiếc không?
    • Nếu có => Hãy suy nghĩ lại, có thể vẫn còn một cách nào đó để làm khác đi.
    • Nếu không => Có thể đã đến lúc chuyển hướng.
  4. Tôi đang bám víu vào nó vì tôi thực sự muốn, hay chỉ vì tôi đã đầu tư quá nhiều vào nó?
    • Nếu chỉ vì đã bỏ nhiều công sức, tiền bạc, thời gian => Đây là bẫy “chi phí chìm”, có thể không phải là lý do đúng để tiếp tục.
  5. Tôi có thể thử một cách tiếp cận mới không?
    • Nếu có cách khác để thử => Có lẽ chưa đến lúc từ bỏ.
    • Nếu đã thử nhiều lần, không còn hướng đi khả thi => Có thể đã đến lúc buông bỏ đúng lúc.

Mỗi khi đứng giữa ranh giới, tôi tìm cho mình một nơi thật tĩnh tâm, nhắm mắt lại và tập trung hình dung cảm giác của bản thân sau khi quyết định. Và theo tôi, đó là một hướng dẫn khá rõ cho chúng ta:

  • Nếu bạn thấy mình cứ áy náy mãi, không yên, cảm giác “mình đáng ra có thể cố thêm một chút” thì có thể bạn đã rút lui quá sớm.
  • Nếu bạn nhẹ lòng, không ân hận, thấy mình như được giải thoát, tôi nghĩ có thể bạn đã chọn đúng.

Thời khắc quyết định

Giữa những khoảnh khắc bấp bênh ấy, ta thường mong có một tấm bản đồ chỉ rõ nên rẽ trái hay phải, nên tiếp tục hay quay đầu. Nhưng đời thật hiếm khi có la bàn diệu kỳ như vậy.

Có những lúc, sự kiên trì giúp ta vượt qua giới hạn tưởng như bất khả. Nhưng cũng có lúc, chính sự cố chấp khiến ta cạn kiệt cả nội lực lẫn niềm tin.

Đi tiếp hay dừng lại không nên là câu hỏi đo bằng thời gian đã bỏ ra, hay công sức đã đầu tư. Mà nên là: Đi tiếp, liệu có còn vì tình yêu và ý nghĩa thật sự với con đường này?

Điều khiến tôi bình tâm hơn trong những lúc phải chọn, không phải là việc chọn đúng hay sai, mà là liệu mình đã thành thật với chính mình hay chưa. Mình chọn vì mình thấy đúng ở thời điểm đó, bằng tất cả sự tỉnh táo, trải nghiệm và trái tim mình có.

Có thể sau này nhìn lại, ta sẽ thấy mình từng ngây thơ, từng non dại. Nhưng nếu ở giây phút ấy, ta đã can đảm sống thật với lòng mình, thì lựa chọn ấy luôn xứng đáng vì nó là bước chân đầy dũng cảm trên hành trình trưởng thành của chính ta.

Và thế là đủ.

Làm sao phân biệt giữa “dừng lại đúng lúc” và “bỏ cuộc giữa chừng”?

Dừng đúng lúc là hành động có ý thức, sau khi đã lắng nghe đủ: bản thân, bối cảnh, và mục tiêu dài hạn. Bỏ cuộc thường xảy ra trong trạng thái hỗn loạn: khi mình mệt, hoang mang hoặc sợ thất bại, mà không thật sự hiểu điều gì đang diễn ra bên trong.

Tôi sợ rằng nếu buông, tôi sẽ hối tiếc. Làm sao để tránh điều đó?

Bạn không cần phải chọn ngay giữa “tiếp tục” hay “buông bỏ”. Hãy chọn dừng tạm thời để đánh giá lại. Tạm dừng giúp bạn nhìn lại mục tiêu với con mắt mới, và nếu sau đó bạn vẫn quyết định rời đi, thì đó là một quyết định chín chắn, không còn là phản ứng bốc đồng.

Nếu tôi dừng lại, tôi có phải bắt đầu lại từ đầu không?

Không. Mỗi lần dừng không phải là quay ngược về vạch xuất phát, mà là rẽ sang một con đường khác với hành trang dày dặn hơn. Mọi trải nghiệm bạn đã đi qua đều góp phần xây nền cho hành trình kế tiếp.

Key Takeaways

  • Không phải mọi lần dừng lại đều là thất bại. Đôi khi, đó là cách ta giữ lại phần lành mạnh nhất của bản thân, để bắt đầu lại với một phiên bản sâu sắc và bền bỉ hơn.
  • Sự khác biệt giữa “bỏ cuộc” và “buông đúng lúc” nằm ở tâm thế, động cơ và nhận thức. Bỏ cuộc đến từ mỏi mệt, từ sợ hãi. Buông đúng lúc đến từ hiểu biết và lòng tự trọng.
  • Tiếp tục không phải lúc nào cũng là mạnh mẽ. Có lúc, can đảm lớn nhất là biết lùi một bước để nhìn rõ hơn điều gì thực sự xứng đáng với hành trình của mình.
  • Không ai thật sự “bỏ cuộc” nếu họ vẫn tiếp tục hành trình phát triển. Điều bạn buông hôm nay có thể là điều không còn phục vụ phiên bản bạn đang trở thành.
  • Câu hỏi không phải là “Có nên dừng lại không?”, mà là: “Nếu tiếp tục, tôi còn trung thực với mình không?” Và nếu dừng, liệu đó có phải là bước đầu tiên để tìm về điều đúng đắn hơn?

Đọc thêm:

  1. Bẫy chi phí chìm: Còn thở là còn gỡ?
  2. Nghỉ ngơi là cả một nghệ thuật