Ngẫm

Giá trị nguyên bản (P2): Thoát khỏi vòng tròn?

Ở bài trước, tôi đã chia sẻ nhận định của bản thân rằng: Khi công nghệ, tiện ích và những xu hướng mới liên tục phát triển, con người dường như luôn muốn quay về với những giá trị nguyên bản. Đây là một vòng lặp khá thú vị trong cách con người và xã hội vận hành.

(Đọc thêm: Giá trị nguyên bản (P1): Vòng tròn chúng ta đang đi)

Khi nghĩ đến việc chúng ta đang đi theo một vòng tròn, một vòng lặp, có lẽ chúng ta sẽ nghĩ rằng: “Ủa alo, đi thật xa để… trở về thật sao?”.

Câu hỏi đặt ra là:

  • Liệu ta có thể thoát khỏi vòng lặp này không?
  • Hay đây là điều con người luôn phải học, phải đi qua?

Có cách nào để không phải “đi một vòng rồi quay lại”?

Có thể chứ.

Nếu ngay từ đầu, ta xây dựng hành trình phát triển dựa trên giá trị cốt lõi – ví dụ như sự tử tế, trao giá trị, sự cân bằng – và luôn giữ điều đó làm kim chỉ nam.

Giống như một doanh nghiệp đặt nền tảng từ đầu bằng một văn hóa minh bạch, triết lý kinh doanh hướng đến khách hàng, không đánh đổi mọi thứ vì tăng trưởng và lợi nhuận. Hay một người trẻ xây dựng sự nghiệp mà không quên chăm sóc bản thân, không chạy theo định nghĩa thành công của người khác.

Ta có thể tránh vòng tròn này. Nhưng không hề dễ dàng.

Bởi vì phần lớn chúng ta đang sống trong một xã hội mà tốc độ được coi là thước đo của giá trị.

Ta lớn lên với kỳ vọng phải thành công sớm, đi nhanh, làm được nhiều thứ.

Trong cuộc đua ấy, ta thường gạt những giá trị nguyên bản sang một bên, vì nó vô hình, nó không “mang lại hiệu quả ngay”.

Và thế là ta tạm quên.

Cho đến khi… ta kiệt sức.

Rồi mới nhận ra: à, có lẽ mình đã đánh đổi hơi nhiều.

Nên để giữ được giá trị cốt lõi trong hành trình phát triển, chúng ta cần tỉnh táo, và cần rất nhiều can đảm.

Can đảm để “đi chậm” hơn người khác một chút.

Can đảm để làm điều mình tin là đúng đắn, dù nó không “trendy”.

Can đảm để tin rằng, giá trị cốt lõi sẽ đưa ta đi xa, dù ban đầu có vẻ chậm.

Cần thoát ra, hay vốn dĩ vòng lặp đó là một bài học ta phải đi qua?

Khi đặt câu hỏi, con người có thể thoát khỏi vòng lặp đó không, tôi lại đặt thêm một câu hỏi khác cần suy ngẫm: có nhất thiết phải thoát ra vòng lặp đó, hay đó là bài học con người luôn phải học?

Bởi vì, con người chúng ta có xu hướng chỉ thực sự thấm thía điều gì đó khi đã… đánh mất.

Chúng ta thường phải đi một vòng, lạc đường, mỏi mệt, rồi mới nhận ra giá trị của điều đã từng rất đơn giản, rất gần.

Có một điều chắc chắn rằng, mỗi lần quay lại là một lần ta hiểu sâu hơn về những giá trị mà ta đã bỏ lại sau lưng.

Lần trở lại ấy là sự lựa chọn của một phiên bản hiểu biết hơn và trưởng thành hơn.

Có lẽ phát triển không nằm ở việc tránh vòng lặp, mà là:

  • Đi một vòng ngắn hơn mỗi lần.
  • Học bài học ấy nhanh hơn, sâu hơn.
  • Và mỗi lần quay lại, là một ta nâng cấp hơn: sâu sắc, hiểu mình, hiểu người hơn.

Như một chiếc vòng tròn xoắn ốc.


Không phải là ta đang đi lòng vòng không lối thoát.


Mà là ta đang tiến lên.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *